1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải có điều kiện gì?
Dựa trên thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn vấn đề của bạn như sau:
Theo Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh
“1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
b) Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.
2. Trường hợp đăng ký thành lập phòng khám chuyên khoa hoặc bác sỹ gia đình thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điều kiện cấp giấy phép hoạt động quy định tại Điều này đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền quản lý.”
Và để được cấp chứng chỉ hành nghề thì bạn phải thỏa mãi điều kiện quy định tại điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009:
“1. Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, việc nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ ;
b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;
c) 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên.
d) 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.”
=> Như vậy trường hợp của bạn, bạn đã là bác sĩ chuyên khoa 1 tức là bạn đã được cấp chứng chỉ hành nghề rồi thì bạn hoàn toàn đủ điều kiện về thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh để có thể được mở phòng khám. Tuy nhiên khi mở phòng khám bạn cần xem xét và đáp ứng đủ các điều kiện còn lại ở điều 43 nêu trên.
2. Thủ tục
Về Thủ tục, Theo quy định tại Điều 42, Luật khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được hoạt động khi đáp ứng được các điều kiện sau:
“1.Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
2.Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp”
Do đó, bạn muốn mở phòng khám tư nhân thì cần 2 điều kiện:
– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố cấp cho phòng khám;
– Có giấy phép hoạt động do Sở y tế tỉnh, thành phố cấp
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động
Chú ý: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động gồm có:
Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động
Bản sao giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của phòng khám.
Bản sao chứng chỉ hành nghề của người từng hành nghề trong phòng khám.
Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bản mô tả mô hình tổ chức và hồ sơ nhân sự.
Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điều 43 của Luật khám chữa bệnh.
4. Chứng chỉ hành nghề
Theo Điều 25. Luật khám bệnh, chữa bênh năm 2009 quy định “Chứng chỉ hành nghề” là:
– Chứng chỉ hành nghề được cấp cho người có đủ điều kiện quy định tại Điều 18 hoặc Điều 19 của Luật này.
– Chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước.
– Nội dung của chứng chỉ hành nghề bao gồm:
a) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, bằng cấp chuyên môn;
b) Hình thức hành nghề;
c) Phạm vi hoạt động chuyên môn.
– Trường hợp chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc bị hư hỏng, người hành nghề được cấp lại chứng chỉ hành nghề.
– Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mẫu chứng chỉ hành nghề.
– Chính phủ quy định lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề để bảo đảm đến ngày 01 tháng 01 năm 2016, tất cả đối tượng đang tham gia khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước vào thời điểm Luật này có hiệu lực phải có chứng chỉ hành nghề.
Theo đó, Hồ sơ đề nghị cấp điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Hồ sơ đề nghị cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề đã được cấp;
c) Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị bổ sung;
d) Giấy xác nhận quá trình thực hành theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này phù hợp với văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn.
– Hồ sơ đề nghị cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn theo Mẫu 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị thay đổi;
c) Bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp;
d) Giấy xác nhận quá trình thực hành quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
đ) Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.
– Hồ sơ đề nghị thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Đơn đề nghị thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh, theo Mẫu 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh của người hành nghề;
c) Bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp;
d) Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.
5. Phân tích quyền của người hành nghề
– Cơ sở pháp lý: Mục 3 chương 3 Luật khám bệnh, chữa bênh năm 2009, theo đó, quyền của người hành nghề gồm:
Quyền được hành nghề
– Được hành nghề theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.
– Được quyết định và chịu trách nhiệm về chẩn đoán, phương pháp điều trị bệnh trong phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.
– Được ký hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
– Được tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh
– Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
– Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Quyền được nâng cao năng lực chuyên môn
– Được đào tạo, đào tạo lại và cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với trình độ chuyên môn hành nghề.
– Được tham gia bồi dưỡng, trao đổi thông tin về chuyên môn, kiến thức pháp luật về y tế.
Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh
– Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến
– Được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh
Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề
– Được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tai nạn liên quan đến nghề nghiệp.
– Được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.
– Trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.